Côn trùng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và tuổi thơ của biết bao đứa trẻ tại xứ Hoa Anh Đào. Ngay cả khi lớn lên, nhiều người vẫn giữ đam mê sưu tầm và nuôi dưỡng chúng.
Satoshi Tajiri – Tạo ra Pokemon từ đam mê côn trùng
Bạn có biết Satoshi Tajiri – người tạo ra thương hiệu Pokémon nổi tiếng khắp thế giới – từng là một cậu bé say mê bắt và nuôi côn trùng? Đam mê thu thập côn trùng từ nhỏ đã tạo nên ý tưởng sáng tạo của ông và thế giới Pokémon đã ra đời.
Ảnh: web-japan
Tajiri, giống như nhiều đứa trẻ khác ở Nhật Bản, có những kỷ niệm tuổi thơ đẹp bên những người bạn côn trùng: bọ cánh cứng, ve sầu, chuồn chuồn, đom đóm và bướm. Bắt và nuôi côn trùng là một sở thích lâu đời, gắn liền với lịch sử Nhật Bản.
Bắt côn trùng – Trò chơi xuất hiện từ xa xưa
Niềm đam mê của người Nhật với côn trùng đã có từ hơn 1.300 năm trước, trong thời kỳ Nara (710-784). Thuở ấy, giới quý tộc thích nghe tiếng dế kêu và từ đó, việc bắt và thu thập côn trùng đã trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của người dân.
Tranh ukiyo – Một bức vẽ người bán côn trùng vào cuối thế kỷ 19. Ảnh: Tokyo Museum Collection
Đến thời Edo (1603-1868), nghe tiếng dế kêu trở thành một trò giải trí phổ biến ở xứ Phù Tang. Người ta bắt đầu buôn bán côn trùng phát ra âm thanh đặc biệt và chúng trở thành mặt hàng hot trên thị trường. Trò chơi này cũng truyền cảm hứng cho lứa tuổi nhi đồng và trở thành một phương pháp giáo dục trẻ về sự kết nối với thiên nhiên và động vật.
Một loài côn trùng khác được người Nhật yêu thích từ xưa là đom đóm. Ngắm đom đóm vào mùa hè là một phong tục truyền thống đã có từ thời Edo. Ảnh: Tokyo Weekender
Niềm vui của tuổi thơ
Tình yêu dành cho côn trùng đã trở thành một phần trong văn hóa của người Nhật, và đối với nhiều trẻ em, việc bắt côn trùng trong kỳ nghỉ hè cùng gia đình là kỷ niệm đẹp nhất.
Ở những nơi gần gũi với thiên nhiên, những đứa trẻ có thể phát hiện nhiều con bướm bay dọc theo đường quê, đuổi theo những con chuồn chuồn trên cánh đồng lúa hoặc bắt ve sầu trong khu rừng. Ngay cả tại các thành phố lớn, các em vẫn có thể dễ dàng tìm thấy chúng ở công viên địa phương.
Ảnh: pinterest
Theo dõi, tìm hiểu và thu thập côn trùng giống như một trò chơi thú vị đối với nhiều đứa trẻ, giúp chúng trở nên năng động và khỏe mạnh hơn. Nó cũng khơi gợi sự tò mò và tạo sự gắn kết với các sinh vật sống khác, giúp trẻ em hiểu hơn về thế giới tự nhiên.
Trò chơi này càng được khuyến khích hơn trong thời hiện đại để đối phó với ảnh hưởng của việc trẻ em quá phụ thuộc vào các thiết bị điện tử. Thay vì chỉ nhìn chăm chăm vào màn hình điện thoại, các em sẽ ra ngoài thở không khí trong lành, vui chơi tự nhiên, khám phá và tìm hiểu thế giới xung quanh.
Cơn sốt bọ cánh cứng và văn hóa côn trùng thời hiện đại
Bọ hung sừng chữ Y hay bọ cánh cứng sừng hươu (stag beetle) đã trở nên phổ biến với trẻ em Nhật từ những năm 60. Điều này bởi chúng có vẻ ngoài hấp dẫn với sừng và hàm lớn cùng đôi cánh cứng bảo vệ cơ thể, trông giống một chiếc ô tô hoặc máy móc.
Hiện nay, hai loài bọ này luôn chiếm vị trí hàng đầu trong danh sách côn trùng được ưa thích với trẻ em. Chúng không chỉ được nuôi ở nhà mà còn xuất hiện tại các trường tiểu học.
Nokogiri kuwagata – một loại bọ stag beetle được yêu thích. Ảnh: pinterest
Học sinh nuôi bọ cánh cứng như thú cưng, chịu trách nhiệm cho chúng ăn và giữ chuồng sạch sẽ. Trải nghiệm chăm sóc những con côn trùng này giúp các em kết nối với thiên nhiên và các sinh vật sống khác dưới sự hỗ trợ từ cha mẹ và giáo viên.
Trong những năm gần đây, bọ cánh cứng trở thành “đặc sản” được săn đón nhiệt tình. Các cửa hàng bán nhiều con bọ khác nhau, đa dạng phong phú từ chủng loại đến vẻ ngoài, màu sắc và đựng chúng trong một chiếc lồng nhựa.
Hằng năm, ở Nhật còn tổ chức lễ hội bọ cánh cứng ở Takasaki, tỉnh Gunma. Rất nhiều đứa trẻ mang theo những con bọ thú cưng của mình tham gia. Các con bọ có kích thước lớn khoảng 5cm và sở hữu chiếc sừng sắc nhọn giống như tê giác.
Một cuộc chiến của kabutomushi – bọ hung sừng chữ Y – một loài bọ vô cùng được yêu thích tại Nhật. Ảnh: kanko-hanamaki.ne.jp
Những con bọ sẽ tham gia vào trò chơi đấu vật hoặc kéo co. Trò đấu vật gồm hai con bọ đối diện nhau trên một bục gỗ tròn, chúng sử dụng sừng để đâm vào nhau, con nào rớt khỏi bục gỗ trước thì thua.
Ngoài ra, vào mỗi mùa hè, các thành phố lớn như Tokyo và Osaka đều tổ chức sự kiện gọi là “triển lãm côn trùng”, quy tụ tất cả các loại côn trùng khác nhau về một nơi để trẻ em được chiêm ngưỡng và tìm hiểu. Và cho đến nay, ngắm đom đóm vẫn là một hoạt động được yêu thích trong các kỳ nghỉ của gia đình hay tại những sự kiện khác trong mùa hè.
Xem thêm: Tang lễ cho côn trùng – cách người Nhật dạy con về tình yêu thương
Viết bởi Mirai.edu.vn – Kiến Thức Tiếng Nhật Hữu Ích