Không chỉ là một loài cây có nhiều ứng dụng đối với đời sống con người, trong văn hóa châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng, tre còn mang ý nghĩa tinh thần rất lớn.
Mạnh mẽ hơn vẻ bề ngoài
Là loài cây với thân cao, mảnh và sống ở nơi có khí hậu thay đổi theo mùa như Nhật Bản, nhưng dù cho đông lạnh buốt hay hè nóng nực, tre vẫn có thể tồn tại và phát triển tươi tốt. Chúng ta có thể thấy điều đó trong cách người Nhật rèn luyện bản thân để chống chọi với thời tiết. Hình ảnh những đứa trẻ mầm non ở Nhật đi học vẫn mặc áo cộc tay, quần đùi giữa thời tiết giá lạnh 2°C đã trở nên quen thuộc. Cha mẹ Nhật tin rằng cái lạnh đó chính là cơ hội để trẻ rèn luyện sức khỏe và nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh đó, họ còn kết hợp cho trẻ những bài vận động giúp làm nóng cơ thể để có thể chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt.
Thuận theo tự nhiên
Một trong những điều ấn tượng nhất về cây tre là cách nó lắc lư theo gió. Chuyển động nhẹ nhàng này là biểu tượng của sự khiêm tốn, thức thời, xuôi theo thời cuộc, không bao giờ chống lại tự nhiên. Hay khi mùa đông đến, những bông tuyết rơi làm cong cả những cành tre, nhưng khi tuyết tan, tre lại đứng thẳng trở lại, hiên ngang và vững chãi.
Sức sống mạnh mẽ
Trong nghiên cứu về tre trên thế giới, những tiết lộ về vụ ném bom nguyên tử năm 1945 tại Hiroshima đã cho thấy sự hồi sinh mạnh mẽ của loài cây này. Chỉ vài ngày sau trận đánh bom, cả thành phố hầu như bị san bằng, người ta lại phát hiện những chồi măng đã bắt đầu mọc ở khu rừng gần đó. Người Nhật cũng vậy, sau mỗi trận thiên tai, họ không khóc than, nén đau thương để dành toàn tâm, toàn lực xây dựng lại cuộc sống.
Tại các điểm công cộng, người dân vẫn điềm tĩnh, kiên nhẫn và trật tự xếp hàng chờ đến lượt lên xe buýt, gọi điện thoại công cộng, mua nhu yếu phẩm, nhận hàng cứu trợ. Dù mặt đất liên tục chao đảo nhưng lòng người vẫn vững vàng. Đối với họ, việc cố gắng để sống và được sống là một điều may mắn, họ học cách bình tĩnh để đối diện với tất cả khó khăn vì tâm lý của họ đã quá vững vàng sau những đau thương.