Người cá, một bí ẩn lớn từ lâu đối với nhân loại. Trong suốt nhiều thế kỷ, dân gian Nhật Bản đã lưu truyền những câu chuyện về Ningyo (người cá trong tiếng Nhật) – sinh vật huyền bí này. Hiện nay, xác ướp Ningyo vẫn được thờ phụng tại các đền chùa trên khắp nước Nhật, được coi là niềm tin giúp kéo dài tuổi thọ, cầu sức khỏe, “mẹ tròn con vuông” và xua đi vận rủi.
Ningyo theo dòng lịch sử
Người cá Ningyo đã xuất hiện chủ yếu dọc theo Biển Nhật Bản, từ tỉnh Aomori đến tỉnh Oita, trong khoảng thời gian từ thời cổ đại đến giữa thời Edo (1603 – 1868). Có ghi chép sớm nhất về Ningyo trong bộ sách cổ Nihon Shoki (Nhật Bản thư kỷ) vào năm 619. Tuy nhiên, từ Ningyo vẫn chưa được sử dụng vào lúc này. Người dân đã chứng kiến một sinh vật giống con người tại một con sông ở tỉnh Omi và một ngư dân bắt được một con vật kỳ lạ tại tỉnh Settsu. Từ “Ningyo” xuất hiện lần đầu vào năm 937 trong cuốn từ điển Nhật – Trung cổ “Wamyou ruijuushou”. Tác giả miêu tả Ningyo có thân của cá, mặt người và giọng nói giống trẻ em.
Truyện “Kokon chomonjuu” gồm 1254 truyện đã miêu tả rất chi tiết về ngoại hình của người cá. Cuốn sách cũng kể về câu chuyện người cá tại tỉnh Ise, kể về một ngư dân đã bắt được 3 con cá kỳ lạ. Đầu chúng giống con người nhưng miệng hô với những chiếc răng nhỏ và mặt rất giống khỉ. Khi ngư dân tiến đến gần, chúng đã kêu lên và bật khóc. Dân làng đã giết thịt, ăn một trong 3 sinh vật và cho rằng thịt rất ngon. Cuốn sách “Azuma kagami” ghi lại rằng vào năm 1247, một con cá lớn trông giống xác người chết đã xuất hiện ngoài khơi biển Tsugaru.
Người cá trong y học và nghệ thuật
Người cá đã xuất hiện trong y học và nghệ thuật từ thời Edo. Phương thức chữa bệnh bằng xương của người cá đã ra đời dựa trên sự kết hợp giữa Honzougaku (nghiên cứu về thảo dược Trung Quốc) với Rangaku (y học phương Tây). Điển hình như sách y về thảo dược Nhật Bản “Yamato honzou” của Kaibara Ekken đã đề cập đến công dụng của xương Ningyo là ngăn ngừa chảy máu trực tràng. Trong “Wakan sansai zue”, bộ bách khoa toàn thư có tranh minh họa đầu tiên của Nhật xuất bản, Ningyo được đề cập bên cạnh nhiều loại cá khác và chú thích xương của nó đã được sử dụng tại Hà Lan như một loại thuốc giải độc. Từ đó, hình ảnh của Ningyo trong sách tương đối giống với quan niệm người cá hiện nay, có nửa thân trên là phụ nữ và nửa thân dưới là cá.
Còn nhiều ghi chép khác từ những tác phẩm của các học giả Nhật và quốc tế khác, cho thấy sự tồn tại của người cá Ningyo. Trong một lá thư, học giả Hirata Atsutane còn nhắc đến cách lấy được xương Ningyo và dự định sử dụng nó để trường thọ. Người cá cũng trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà văn và họa sĩ.
Xác ướp người cá và sự ưa chuộng tại nước ngoài
Trong thời Edo, xác ướp người cá Ningyo được trưng bày trong các buổi triển lãm. Ngày càng nhiều người tìm đến xem bởi quan niệm rằng nhìn xác người cá và tranh của chúng có thể giúp trường thọ và bảo vệ con người khỏi bệnh dịch. Cuối cùng, các xác ướp này đã được chuyển đến trưng bày và thờ cúng tại nhiều đền chùa ở Nhật Bản.
Ngày nay, một số xác ướp người cá Ningyo vẫn tồn tại ở các đền chùa trên khắp Nhật Bản, được coi là thần linh mang lại may mắn và sức khỏe. Một số xác ướp đã được chế tác từ thời Edo đến thời Meiji. Một số xác ướp này đã được chuyển đi nước ngoài và trưng bày trong các bảo tàng. Vẫn còn nhiều điều chưa được khám phá về người cá Ningyo, và nghiên cứu tiếp tục được thực hiện để tìm ra những khám phá mới.
Đại học Khoa học và Nghệ thuật Kurashiki đang nghiên cứu về xác ướp người cá của chùa Enjuin tại tỉnh Okayama. Kết quả sẽ được công bố sau khi phân tích DNA và xác định niên đại bằng carbon. Đây là một trong những nỗ lực để tìm hiểu thêm về người cá Ningyo và các truyền thuyết dân gian liên quan.