Kimono và Yukata – hai loại trang phục truyền thống của Nhật Bản đã quyến rũ cả thế giới nhờ vẻ đẹp và sự duyên dáng khác biệt. Đều là áo choàng dài hình chữ T, có tay áo dài và cố định bằng một chiếc thắt lưng, tuy nhiên, Kimono và Yukata lại có những điểm khác biệt tinh tế mà một người đam mê văn hóa Nhật Bản nên biết.
Sự khác biệt giữa Kimono và Yukata
Thuật ngữ Kimono – 着物 được ghép từ hai ký tự: “ki – 着” (mặc) và “mono – 物” (đồ vật), do đó, Kimono theo nghĩa đen là “thứ để mặc”. Kimono có nguồn gốc từ thời Heian (794-1185), là trang phục của hoàng gia và tầng lớp quý tộc.
Theo thời gian, thiết kế và kiểu dáng của Kimono đã phát triển để phản ánh những thay đổi về thời trang và chuẩn mực xã hội. Trong thời kỳ Edo (1603-1868), Kimono trở nên dễ tiếp cận hơn với công chúng và trở thành loại trang phục được mặc hàng ngày.
Kimono được mặc bởi cả nam và nữ. Ảnh: Sakuraco
Yukata – 浴衣 thường được biết đến là loại Kimono dành cho mùa hè. Nó được ghép từ chữ “Yu – 浴” (tắm) và “Katabira – 衣” (đồ lót), vốn đề cập đến một dạng quần áo được sử dụng trong nhà tắm vào thời Heian. Về sau, Yukata đã phát triển thành một loại trang phục mùa hè đầy phong cách và sáng tạo với nhiều kiểu dáng và màu sắc thú vị.
Yukata là trang phục truyền thống phổ biến vào mùa hè. Ảnh: yamaguchi.keizai.biz
Vì hình dáng khá tương tự, Kimono và Yukata thường bị nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, hai loại trang phục truyền thống này có những điểm khác biệt. Hiểu rõ điều này sẽ giúp bạn lựa chọn và mặc Kimono/Yukata đúng cách.
Về chất liệu
Sự khác biệt cơ bản đầu tiên giữa Kimono và Yukata liên quan đến loại vải được sử dụng. Theo truyền thống, Kimono được may từ vải lụa, bông và những bộ phức tạp hơn có thể làm từ gấm dệt với chỉ vàng, chỉ bạc. Những loại vải sang trọng này giải thích vì sao giá thành của một bộ Kimono lại khá cao.
Còn Yukata ban đầu được giới quý tộc Nhật Bản mặc sau khi tắm, với chất liệu sử dụng là vải lanh. Ngày nay, loại vải phổ biến nhất để may Yukata là vải bông với đặc tính nhẹ, thoáng khí, hút ẩm và giữ mát cho cơ thể. Ngoài ra, vải lanh hoặc polyester – một loại vải tổng hợp giá rẻ cũng là một lựa chọn.
Vải lụa nhuộm bằng kỹ thuật Kaga Yuzen để làm Kimono. Ảnh: Kaganoyuzen
Trang phục lót
Một yếu tố nữa để phân biệt hai loại trang phục này là sự có mặt của trang phục lót được gọi là Nagajuban. Vải lụa hoặc gấm may Kimono rất quý và giá trị nên chúng ít khi được giặt để kéo dài độ bền.
Vì vậy, người Nhật mặc một chiếc Nagajuban bên dưới Kimono, đây là loại áo lót bằng lụa hoặc bông, thường có màu trắng để bảo vệ Kimono khỏi mồ hôi. Còn Yukata dễ giặt sạch, vì vậy không cần phải mặc Nagajuban bên dưới.
Nagajuban. Ảnh: kimono-rentalier.jp
Để biết một người có đang mặc Nagajuban hay không và từ đó xác định xem nó là Kimono hay Yukata, hãy nhìn vào cổ áo. Nếu trang phục có hai cổ áo thì đó là Kimono – vì cổ áo dưới, thường có màu trắng, là cổ áo của Nagajuban. Nếu chỉ thấy một cổ áo, thì đây có thể là Yukata.
Nhìn vào cổ áo là một cách để phân biệt Kimono và Yukata. Ảnh: Japan Avenue
Thiết kế, màu sắc và họa tiết
Về thiết kế
Sự khác biệt nổi bật giữa Kimono và Yukata là chiều dài của tay áo. Tay áo Kimono thay đổi tùy theo các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như tuổi tác và mức độ trang trọng của sự kiện mà người mặc tham dự.
Phụ nữ chưa chồng mặc Kimono với tay áo rất dài, đến mức có thể chạm sàn, gọi là Furisode. Theo truyền thống, điều này cho phép những người đàn ông nhận ra phụ nữ nào là đối tượng để kết hôn. Ngoài ra còn có những bộ Kimono có tay áo dài vừa phải. Mặt khác, tay áo của Yukata sẽ không dài hơn 50cm, vì vậy chúng không bao giờ chạm đất.
Yukata và một số kiểu Kimono. Ảnh: kimono-rentalier.jp
Về màu sắc, họa tiết
Yukata theo truyền thống bao gồm hai màu là chàm và trắng, nhưng với xu hướng hiện đại, nó được thiết kế với nhiều sắc độ từ tươi sáng cho đến sẫm màu. Có thể thấy phụ nữ Nhật Bản ngày nay mặc Yukata với nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau, hoa văn cũng đa dạng, từ hoa lá cho đến trái cây, động vật ngộ nghĩnh… để tham gia các lễ hội mùa hè.
Mặt khác, do tính trang trọng của trang phục Kimono, những màu sắc phổ biến chủ yếu thuộc gam màu tối và trung tính. Hoa văn trên Kimono cũng giàu tính truyền thống và mang ý nghĩa cụ thể, dù chúng cũng ngày càng đa dạng hơn theo xu thế hiện đại.
Ảnh: kimono-rentalier.jp
Cách mặc và phụ kiện đi kèm
Yukata dễ mặc hơn vì không cần nhiều phụ kiện như Kimono. Bạn không cần phải mặc áo lót Nagajuban và chỉ cần một hoặc hai dây để cột Yukata, trong khi một bộ Kimono cần đến ba hoặc bốn dây.
Yukata được kết hợp với một chiếc Obi bình thường, bản mỏng và tương đối dễ thắt. Vì việc biến tấu với một chiếc Obi thông thường sẽ dễ được chấp nhận hơn, nên các cô gái Nhật Bản đã buộc nó theo nhiều phong cách độc đáo, sáng tạo.
Trong khi đó, tùy thuộc vào dịp được mặc mà Kimono được kết hợp với Obi trang trọng hoặc bán trang trọng. Có nhiều loại Obi khác nhau với cách thắt khác nhau, tương ứng với loại Kimono và mục đích của nó. Các phụ kiện nhỏ, chẳng hạn như Obi-age, Obi-jime và Obi-dome cũng được kết hợp với Kimono.
Yukata thường kết hợp với guốc gỗ Geta, còn Kimono thường đi cùng với các loại giày dép truyền thống như Geta hoặc Zori và sẽ cần mang thêm vớ Tabi thay vì để chân trần như khi mặc Yukata.
Phụ kiện đi kèm Kimono và Yukata.
Mặc Kimono và Yukata vào dịp nào?
Yukata gắn liền với mùa hè và các hoạt động trong mùa hè như lễ hội hoặc sự kiện bắn pháo hoa. Còn tại các Ryokan (nhà trọ kiểu Nhật) hoặc Onsen (suối nước nóng), chúng được phát cho khách sử dụng trong cả bốn mùa. Tại những nơi này, khách có thể diện Yukata khi đi lại trong khuôn viên, dạo phố hay dùng làm áo ngủ. Cần lưu ý rằng sẽ không lịch sự nếu diện Yukata đến các sự kiện mang tính nghi lễ, trang trọng.
Còn một bộ Kimono có thể đi kèm với đủ loại phụ kiện để phù hợp với tất cả các mùa trong năm. Ví dụ, một chiếc khăn choàng lông có thể được khoác thêm bên ngoài trong mùa đông. Ngoài ra còn có những bộ Kimono mùa hè được gọi là “hitoe” Kimono (Kimono một lớp), không có đường viền và được mặc cùng với áo lót Kimono mùa hè.
Ảnh: kimono-rentalier.jp
Vì mang tính trang trọng, Kimono thích hợp để mặc trong các dịp như:
- Lễ thành nhân (Seijin no hi)
- Các hoạt động truyền thống (Trà đạo, xem kịch Noh hoặc Kabuki)
- Trang phục cho lễ cưới hay trang phục tang lễ Nhật Bản…
Tuy nhiên, mọi người cũng có thể mặc Kimono bất cứ khi nào họ muốn. Ngày nay, vẫn có những người Nhật chọn diện trang phục Kimono trong sinh hoạt hằng ngày của họ để lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Ảnh: airKitchen
*Một lời khuyên cuối cùng là đừng quên thử trải nghiệm sự đẹp và sang trọng của cả Kimono và Yukata khi bạn có cơ hội đến Nhật Bản. Cả hai loại trang phục này đều mang đến một phần của văn hóa Nhật Bản độc đáo và rất đáng trải nghiệm. Hãy tận hưởng những giây phút khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của Nhật Bản!