Những ngôi nhà gỗ cổ kính, như trong những bộ phim Nhật Bản hay trên những con phố nhuốm màu thời gian ở Kyoto, được gọi bằng cái tên thân thương: Machiya. Đây là những ngôi nhà gỗ truyền thống của Nhật Bản, phổ biến ở những khu phố cổ như Kyoto hay Kanazawa. Từ “Machiya” được ghép từ hai chữ: “machi” (thị trấn) và “ya” (nhà hoặc cửa hàng), tùy thuộc vào Hán tự được sử dụng.
Machiya – kiến trúc nhà phố truyền thống
Machiya là biểu tượng của văn hóa và kiến trúc Nhật Bản. Những ngôi nhà này đã tồn tại từ thời Heian (794 – 1185) và trải qua sự phát triển trong thời Edo (1603 – 1867) và Meiji (1868 – 1912). Trước đây, Machiya là nơi ở của các thị dân, bao gồm thương gia và thợ thủ công thành thị. Kiểu nhà phố Machiya cùng với nhà trang trại Nouka, nhà của ngư dân Gyoka và nhà trên núi Sanka là 4 phân loại cơ bản thuộc Minka – nhà ở được xây dựng theo phong cách truyền thống Nhật Bản.
Bên cạnh việc vẫn còn một số người tiếp tục sống trong các Machiya, hiện nay, nhiều nơi đã được chuyển thành nhà hàng, cửa hàng hoặc lữ quán.
Cấu trúc thường thấy của một Machiya
Machiya điển hình thường là một ngôi nhà gỗ sâu và dài, nằm ở trục đường chính, có cửa ra vào hướng ra mặt tiền đường. Gỗ là vật liệu chính để xây nên ngôi nhà, tường được đắp bằng đất và mái lợp bằng ngói. Các Machiya thường cao từ một hoặc một tầng rưỡi đến hai tầng, đôi khi cũng có những ngôi nhà cao đến ba tầng.
Kiểu nhà Machiya xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các khu phố cổ như Kyoto, Nara hay Kanazawa, và ở mỗi khu vực khác nhau sẽ có một số biến đổi để phù hợp với môi trường, nhiệt độ cũng như đặc điểm từng địa phương. Tuy nhiên, cấu trúc thường thấy của một Machiya sẽ bao gồm Mise/Omoteya (cửa hàng/trưng bày hàng hóa ở phía trước) và Omoya – (khu vực sinh hoạt của gia chủ ở bên trong).
Một hành lang dài gọi là Toriniwa chạy từ khu vực nhà chính dọc theo sân trong đến cuối khu đất của căn nhà, nơi đặt nhà kho Kura. Khu vực này cũng bao gồm phòng tắm và nhà vệ sinh.
Không gian giữa Omoteya và Omoya thường gồm một hoặc nhiều khu vườn, được bao quanh bởi mái hiên hẹp gọi là Engawa. Khu vườn phía sau Omoteya thường khá nhỏ, hầu như không vượt quá kích thước một tsubo (3,3m²) và do đó nó được gọi là Tsubo-niwa. Ngoài ra còn có thể có một khu vườn nằm ở sân sau, kế bên nhà kho có tên là Oku-niwa. Những khu vườn này mang ánh sáng và thiên nhiên vào trong ngôi nhà, và cũng phục vụ một chức năng thiết thực đó là thoát nước và thông gió.
Phòng sinh hoạt lớn nhất trong một Machiya nằm ở phía sau của tòa nhà chính, nhìn ra khu vườn Oku-niwa ngăn cách khu nhà chính với nhà kho, được gọi là Zashiki. Căn phòng này còn đóng vai trò làm phòng tiếp khách dành cho những vị khách đặc biệt hoặc khách hàng.
Cửa trượt Shoji và Fusuma được sử dụng để tạo nên các bức tường linh hoạt, có thể đóng/mở hoặc loại bỏ hoàn toàn để thay đổi số lượng, kích thước và hình dạng của các phòng để phù hợp với nhu cầu của gia chủ tại từng thời điểm. Thông thoáng và kiểm soát độ ẩm tuyệt vời của giấy Washi trong cửa trượt giúp ngôi nhà thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Cuộc sống bên trong căn nhà gỗ Machiya
Machiya như các kiến trúc nhà ở truyền thống của Nhật Bản, nhấn mạnh vào sự hòa hợp với thiên nhiên, đất trời và cung cấp một không gian để ngắm nhìn thiên nhiên bốn mùa luân chuyển thông qua những khu vườn được đặt bên trong. Tuy nhiên, điểm đặc trưng của một Machiya nơi phố thị đó chính là sự kết hợp giữa không gian sống với khu vực kinh doanh. Khi bạn di chuyển từ không gian này sang không gian khác của căn nhà, giữa hai thế giới có sự chuyển mình và giao thoa lẫn nhau, hay nói cách khác, bạn ở bên trong mà đồng thời cũng đang ở bên ngoài.
Ngày nay, nhiều Machiya đã được chuyển đổi thành các lữ quán, cho phép khách du lịch trải nghiệm cảm giác sống bên trong một ngôi nhà cổ, lắng nghe dòng chảy của thời gian, quá khứ – hiện tại và cảm nhận thiên nhiên hòa hợp ở nơi đây.
Machiya và những nỗ lực bảo tồn
Machiya, một phần của di sản văn hóa Nhật Bản, đã trải qua sự giảm số lượng đáng kể trong những thập kỷ gần đây, với nhiều ngôi nhà bị phá bỏ để cung cấp không gian cho các tòa nhà mới. Để bảo tồn nét đẹp truyền thống này, một tổ chức đã được thành lập với mục tiêu khôi phục và bảo vệ các Machiya còn sót lại ở Kyoto.
Năm 2005, “Quỹ Machiya Machizukuri” đã ra đời với mục tiêu khôi phục và bảo vệ Machiya. Tổ chức này giúp các chủ sở hữu Machiya khôi phục lại ngôi nhà của mình và được chính quyền thành phố hỗ trợ tài chính để duy trì các tòa nhà này.
Mirai.edu.vn – Kiến Thức Tiếng Nhật Hữu Ích