Mirai.edu.vn – Kiến Thức Tiếng Nhật Hữu Ích
Lấy cảm hứng từ những bông hoa, ý niệm Oubaitori của người Nhật mang đến bài học nhận thức về cuộc đời, thúc đẩy động lực buông bỏ thói quen so sánh độc hại.
Ý niệm nhân văn của Oubaitori
Ở xã hội hiện nay, cạnh tranh trở thành một yếu tố không thể thiếu, khiến cho chúng ta dễ dàng so sánh với nhau trong mọi lĩnh vực. Chúng ta thường so sánh bản thân với bạn bè, người xung quanh và thậm chí là những chuyên gia hay những người nổi tiếng.
Tuy nhiên, những so sánh này thường mang lại những tác động tiêu cực, khiến chúng ta rơi vào vòng xoáy căng thẳng khó thoát ra. Khi chúng ta luôn tìm thấy ai đó thành công hơn, tài năng hơn hoặc thu hút hơn mình, chúng ta thường cảm thấy không tự tin và giảm đi giá trị bản thân. Nhưng thực tế chỉ ra rằng, mỗi con người đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, không ai là hoàn hảo.
Để tìm sự an nhiên và tự tại trong cuộc sống, chúng ta nên buông bỏ thói quen đặt bản thân lên bàn cân với người khác. Trong tiếng Nhật, có một ý niệm lấy cảm hứng từ những bông hoa và được xem như gia vị giải độc cho thói quen so sánh, đó là “Oubaitori”.
Oubaitori – Khám phá giá trị khác biệt
Oubaitori có từ gốc Nhật với các ký tự “桜梅桃李”, mỗi ký tự đại diện cho một loài hoa: “桜” (anh đào), “梅” (hoa mơ), “桃” (hoa đào) và “李” (hoa mận). Những loài hoa này đều nở vào mùa xuân, tạo thành một bức tranh phong cảnh ngập tràn sắc hồng tuyệt đẹp. Mặc dù thường mọc cùng nhau, nhưng mỗi loài lại có dáng vẻ và thời gian nở hoa riêng biệt. Tất cả đều làm tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên theo cách riêng của nó.
Do đó, trong tiếng Nhật, Oubaitori mang ý nghĩa không so sánh. Ý niệm này lấy cảm hứng từ những loài hoa với những hương sắc riêng, tôn vinh giá trị khác biệt của mỗi người. Mỗi bông hoa phát triển theo nhịp điệu riêng, là một lời nhắc nhở vĩnh viễn rằng, chúng ta đều chỉ đi trên một hành trình trong cuộc đời. Thay vì so sánh bản thân với người khác, hãy tập trung vào sự phát triển của chính mình.
Giống như những loài hoa, mỗi con người cũng có quá trình phát triển với kỹ năng và đam mê riêng. Chúng ta đi trên những con đường khác nhau, hướng tới những mục tiêu khác biệt. Và ta nên tự hào về những giá trị làm cho bản thân trở nên độc đáo.
Giá trị tích cực từ Oubaitori
Bạn có biết, “sự so sánh là kẻ đánh cắp niềm vui”? Khi ta so sánh mình với người khác, ta chỉ nhìn nhận mọi thứ từ góc nhìn hạn hẹp và kinh nghiệm cá nhân. Chẳng thể biết rõ bức tranh toàn cảnh về hành trình của một người và những thực tế mà họ đã trải qua, vì vậy sự so sánh chỉ mang tính chủ quan.
Con người chỉ chia sẻ những gì họ muốn người khác thấy, do đó bất kỳ sự so sánh nào đều dẫn đến những thành kiến. Điều này có thể khiến chúng ta nhìn nhận bản thân một cách khắt khe hoặc thậm chí đánh giá thấp bản thân. Cũng vì vậy, thực hành Oubaitori cho phép chúng ta thoát khỏi vòng lặp của những so sánh độc hại. Từ đó, chúng ta có thể cảm thấy an toàn, hạnh phúc hơn và tăng sự tự tin vào khả năng của bản thân.
Cùng là những bông hoa xuân, nhưng mỗi loài lại có thời gian tỏa hương khoe sắc khác nhau, có loài nở sớm, có loài nở muộn. Con người cũng như vậy, có người đi nhanh, có người đi chậm, mỗi người sẽ có một “khung giờ vàng” của riêng mình.
Bạn không cần cảm thấy nản lòng vì không tiến xa như người khác, hãy vui vẻ vì bản thân đã cố gắng hết sức có thể và xem đó như nguồn sức mạnh để tiếp bước. Mỗi người có một xuất phát điểm riêng, hướng đến những mục tiêu khác nhau, và mỗi hành trình đều có những dấu ấn khác biệt, vì vậy đừng dùng người khác làm thước đo để phán xét cuộc đời bạn.
Lấy cảm hứng từ những loài hoa, ý niệm Oubaitori của người Nhật mang đến bài học nhận thức về cuộc đời, thúc đẩy động lực buông bỏ thói quen so sánh độc hại, khuyến khích chúng ta cải thiện mỗi ngày dựa trên tiêu chuẩn đối chiếu khả thi duy nhất: chính chúng ta.
5 bước thực hành nghệ thuật Oubaitori
1. Nhận thức được cuộc đối thoại bên trong bạn
Để thực hành Oubaitori, trước tiên bạn cần ngừng tự động so sánh bản thân với người khác. Hãy để ý đến suy nghĩ của mình, đặc biệt là những lời chỉ trích hướng về sự so sánh.
2. Đối xử tử tế với bản thân
Oubaitori không chỉ đồng nghĩa với việc ngừng so sánh, mà còn là nhận thức được sự độc đáo của chính mình. Vì vậy, hãy học cách đối xử tử tế với bản thân, nhắc nhở về những điểm mạnh, khả năng và thành tựu mà mình đã đạt được thay vì liên tục tự trừng phạt vì những sai lầm cá nhân.
3. Nuôi dưỡng lòng biết ơn
Viết nhật ký về lòng biết ơn hoặc ghi nhớ ba điều mà bạn cảm thấy biết ơn mỗi ngày sẽ giúp bạn thay đổi quan điểm và tập trung hơn vào bản thân cũng như những gì cuộc sống đã mang lại hoặc bạn đã đạt được, thay vì không ngừng nhìn vào người khác. Bằng cách này, bạn có thể trở nên tích cực hơn rất nhiều và sẽ không còn phán xét bản thân quá khắt khe.
4. Tập trung vào tiềm năng của bản thân
Thay vì than vãn về những gì không có, bạn nên học cách tận dụng ưu điểm của mình trong những cơ hội mà cuộc sống mang lại. Sự thay đổi trong quan điểm đó sẽ cho bạn động lực lớn hơn để tiếp tục chinh phục ước mơ.
5. Xem thành công của người khác là động lực
Nếu họ có thể làm điều đó, tại sao bạn không thể? Đương nhiên, bạn sẽ gặp phải những rào cản, chướng ngại vật và thử thách trên hành trình. Đừng so sánh thành công của người khác với thành công của mình, hãy lấy họ làm động lực để cố gắng hơn và tin vào chính mình.
Cuối cùng, việc thấu hiểu ý niệm Oubaitori cho phép chúng ta phát triển một tâm lý tích cực hơn, trở nên hạnh phúc hơn và mở ra cánh cửa cho sự phát triển cá nhân. Đây là một sự thay đổi đáng giá.
Tác giả: Mirai.edu.vn – Kiến Thức Tiếng Nhật Hữu Ích