Tiết Cốc Vũ (Kokuu – 穀雨) là tiết khí thứ 6 trong 24 tiết khí của năm ở Nhật Bản, đánh dấu sự kết thúc của mùa Xuân. Thời gian diễn ra của tiết Cốc Vũ thường từ ngày 20/4 đến 5/5. Đây là thời điểm trời xanh hơn, khí trời dần ấm lên và người Nhật bắt đầu gieo hạt, trồng trọt.
Harusame – mưa xuân
Một câu trong tiếng Nhật nói rằng: “Harusame ga futte hyakkoku wo uruosu – 春雨が降って百穀を潤す” (Mưa xuân rơi, tưới cho trăm hạt). Đúng như câu nói đó, mưa xuân trong tiết Cốc Vũ là lợi thế tuyệt vời cho sự phát triển của các loại hạt, ngũ cốc khác nhau. Ngoài ra, thời điểm này cũng là lúc các loài hoa theo mùa như hoa tử đằng, hoa tulip bùng nở với tất cả sức sống.
Hoa tử đằng khổng lồ 160 tuổi tại Công viên hoa Ashikaga.
Fuji – Hoa tử đằng
“Noda fuji – 野田藤” (hoa tử đằng bản địa của Nhật) bắt đầu nở vào cuối tháng tư, đầu tháng năm. Loài cây này có nguồn gốc từ Nhật Bản và được trồng phổ biến trên giàn hoặc dùng làm bonsai. Những bông hoa tử đằng tím thơm ngọt và dịu dàng. Loài hoa này thường được nhắc đến trong các văn học cổ đại của Nhật Bản như Kojiki (Cổ sự ký), tuyển tập thơ “Manyoshu – 万葉集” (Vạn diệp tập) và “Genji Monogatari – 源氏物語”. Các nhà thơ đã mô tả những cụm hoa đung đưa trong gió xuân là “sóng hoa tử đằng”. Loài hoa này còn được gọi là “futakigusa – 二季草” (loài hoa hai mùa) vì nở từ mùa xuân đến mùa hè.
Dàn hoa tử đằng hấp dẫn người xem tại công viên Ashikaga.
Hoa Tulip
Vào mùa xuân, các khu vườn trong nhà và công viên rực rỡ màu sắc của hoa tulip. Tỉnh Niigata nổi tiếng với những người trồng trọt tài ba. Những năm gần đây, họ đã nhân giống và phát triển một loạt các loại hoa tulip mới với nhiều màu sắc và hình dạng độc đáo.
Hoa tulip nở rộ. Ảnh: Pixta
Hoa mẫu đơn
Hoa mẫu đơn, một loại hoa được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Nhật Bản, đã được nhân giống và phát triển trong nhiều thế kỷ để tạo ra các giống cây cảnh chất lượng. Hoa mẫu đơn thường nở vào tháng tư và tháng năm. Ngôi chùa Hasedera ở tỉnh Nara có hơn 7.000 cây mẫu đơn với khoảng 150 giống được chăm sóc kỹ lưỡng.
Hoa mẫu đơn trong khuôn viên chùa Hasedera. Ảnh: Japan travel
Oborozukiyo – Đêm trăng huyền ảo
Người Nhật gọi những đêm xuân với ánh trăng bị che khuất một phần bởi sương mù là “oborozukiyo – 朧月夜”. Hiện tượng này thường xảy ra vào tiết Cốc Vũ và được nhắc đến trong thơ ca và đồng dao để tạo nên không khí mùa xuân đặc biệt.
Hoa anh đào trong không gian mờ tỏ với ánh trăng nhập nhòa. Ảnh: Pixta
Hachijuuhachiya – Đêm thứ tám mươi tám sau ngày lập xuân
Tính từ thời điểm “risshun – 立春” (Lập Xuân), “hachijuuhachiya – 八十八夜” là một dịp quan trọng. Chữ cái “tám” (八) được coi là mang đến sự may mắn vì có hình dạng giống một chiếc quạt đang mở, tượng trưng cho sự mở rộng và thịnh vượng. Thời gian này thường đánh dấu sự kết thúc của thời tiết lạnh và sương giá, và nông dân bắt đầu gieo hạt, thu hoạch chè trong những ngày nắng ấm.
Thu hoạch trà
Trà tươi mới được thu hoạch vào hachijuuhachiya được cho là mang lại sự trường thọ. “Chatsumi – 茶摘み” có nghĩa là hái trà và là một bài hát truyền thống được nghe vào dịp Kokuu và được dạy cho trẻ em trong trường học. Dù trà xanh đóng chai ngày càng phổ biến, việc thưởng thức trà tươi mới thu hoạch vào mùa xuân là một niềm vui không thể thiếu.
Các đồn điền trà ở tỉnh Shizuoka với núi Phú Sĩ ở phía sau. Ảnh: Pixta
Chuẩn bị cấy lúa
Vào mùa này, nông dân cày ruộng, bơm nước và xới đất để chuẩn bị gieo trồng. Họ háo hức ngâm hạt và tận hưởng quá trình chứng kiến cây mầm nảy lên. Lúa giống sẽ được ươm trong nhà kính, cho đến khi sẵn sàng để trồng trên đồng ruộng.
Nawashiro (luống trồng lúa) trong nhà kính. Ảnh: Pixta
Tango no sekku – Tết Đoan ngọ 5/5
Đây là thời điểm chuyển giao giữa tiết Kokuu và Rikka (Lập Hạ) trong lịch hiện đại. Ngày này còn được gọi là Kodomo no Hi – Ngày tết thiếu nhi. Lễ kỷ niệm truyền thống này vẫn giữ được những nét đặc trưng như đuổi tà ma bằng hoa diên vĩ và ngải cứu, cho các cậu bé ăn hai loại bánh gạo nếp đậu đỏ. Các gia đình trưng bày áo giáp, mũ sắt, samurai hoặc búp bê Musha Ningyo – tượng trưng cho các anh hùng trong lịch sử, nhằm cầu nguyện rằng con trai của họ sẽ được bảo vệ khỏi bất hạnh. Họ cũng treo lồng đèn cá chép koinobori bên ngoài nhà, tượng trưng cho sự thăng tiến trong cuộc sống.
Lồng đèn cá chép truyền thống. Ảnh: wallpaperflare
Ẩm thực tươi mới
Vào mùa này, thực khách có thể thưởng thức các món ăn tươi mới như cá thơm, cá sòng Nhật, ốc mặt trăng và bánh mochi ngải cứu. Ayu (cá thơm) bắt đầu hồi sinh và phát triển từ hạ nguồn vào mùa xuân, tạo ra một hương vị tươi mới, thơm ngon khó cưỡng. Aji (cá sòng Nhật) và sazae (ốc mặt trăng) là hai loại hải sản khác cũng rất phổ biến vào mùa này. Trà xanh và bánh mochi ngải cứu cũng là những món ăn tuyệt vời để kết thúc bữa ăn.
Cá aji phục vụ kiểu tataki. Ảnh: Pixta
Chợ gốm
Trong Tuần lễ vàng (29 tháng 4 đến 5 tháng 5), các lò nung khác nhau trên khắp đất nước tổ chức lễ hội gốm như chợ đồ gốm Arita ở tỉnh Saga.
Hội chợ gốm ở Kasama, tỉnh Ibaraki. Ảnh: Nippon
Mùa xuân tại Nhật Bản thật tuyệt vời với những công việc nông nghiệp, những loài hoa rực rỡ và những món ăn ngon lành. Hãy tận hưởng những trải nghiệm đặc biệt của tiết Cốc Vũ và một mùa xuân tràn đầy sức sống.